• Search
  • Menu
Phiên bản Máy tính

Thay thế sạc cho máy tính xách tay

(Download CTIM) Gửi ngày 20 tháng 1 năm 2013 - 5076 lượt xem

Share Facebook

Dù cho bạn đang sở hữu các thiết bị điện tử di động nào như máy tính xách tay, điện thoại di dộng, máy ảnh số, máy nghe nhạc..., có lẽ bạn dễ dàng nhận ra điểm chung khá quan trọng của chúng đó là bộ nguồn sạc. Sạc (có nơi còn gọi là adapter) có tác dụng cung cấp và nạp điện cho pin để tái duy trì năng lượng hoạt động của thiết bị khi không dùng trực tiếp điện lưới.

Tùy theo dung lượng của pin, công suất của sạc mà thời gian sạc pin của mỗi thiết bị dài ngắn khắc nhau. Bộ sạc tốt là bộ sạc được nhà sản xuất thiết kế để đi kèm một model cụ thể nào đó. Việc sử dụng đúng cách với bộ sạc chuẩn có thể đảm bảo thời gian sạc và tuổi thọ pin theo đúng tiêu chuẩn mà hãng công bố. Trên thực tế sử dụng, vẫn có trường hợp bộ sạc đi kèm bị hư hỏng. Nếu vẫn đang trong thời hạn bảo hành thì quả là may mắn vì bạn có thể dễ dàng được đổi bộ sạc khác đạt tiêu chuẩn để sử dụng với máy tính của mình. Nếu không may sạc đã hết thời gian bảo hành thì bạn có thế có ba lựa chọn: đặt sạc từ hãng, mua sạc đa năng của hãng thứ ba, mua sạc "lô".
 
Các bộ sạc chuẩn đi kèm máy tính xách tay
 
Có hai yếu tố cơ bản cần quan tâm khi thay thế bộ sạc cho máy tính xách tay là thông số điện áp và đầu cấp nguồn vào máy tính (jack nguồn của sạc khi cắm vào máy tính). Một bộ sạc phù hợp phải đáp ứng được cả hai yếu tố này.
 
Thông số điện áp
 
Trên mỗi bộ sạc đều có hai thông số là điện áp đầu vào (input) và điện áp đầu ra (output). Đa số các sạc có trên thị trường đều có thể chạy với điện lưới trong khoảng 110/ 220V nên người mua ít phải quan tâm đến thông số điện áp đầu vào. Trừ trường hợp người dùng mua sạc có nguồn gốc xách tay từ nước ngoài về vì có thể có trường hợp sạc sản xuất cho quốc gia đó chỉ sử dụng điện áp 110V và khi đem về sử dụng tại Việt Nam với điện lưới 220V cần có bộ chuyển đổi điện áp, nếu không bộ sạc sẽ cháy nổ khi được cắm thẳng vào nguồn điện 220V.
 
Điện áp đầu ra (output) trên bộ sạc có hai chỉ số đó là áp và dòng. Nhìn trên tem nhãn của bộ sạc bạn sẽ thấy được các chỉ số này. Ví dụ trên một bộ sạc của hãng Asus ta có thể thấy chỉ số 19V (áp – viết tắt của Volt) và 3.42A (dòng – viết tắt của Ampe). Hai chỉ số này cho ta biết bộ sạc trên có công suất đầu ra khoảng 65W (công suất = điện áp x dòng điện – 19V x 3.42A ~ 65W) điện áp đầu ra của bộ sạc là 19 Volt và dòng điện cực đại có thể cung cấp là 3.42 Ampe.
 

 
Thông số điện áp đầu vào và đầu ra trên một bộ sạc của hãng Asus
 
Khi lựa chọn bộ sạc để thay thế, chỉ số điện áp phải chính xác với chỉ số điện áp của bộ sạc cũ (cao hơn có thể gây cháy nổ nguồn trên máy tính xách tay hoặc thấp hơn thì máy sẽ không hoạt động). Riêng chỉ số dòng điện có thể cao hơn hoặc bằng với chỉ số dòng điện trên bộ sạc cũ (nếu chỉ số dòng điện thấp hơn thì bộ sạc sẽ không đủ công suất để cấp điện cho máy tính hoạt động và có thể gây cháy sạc).
 
Ví dụ với bộ sạc trên của Asus, trong trường hợp không thể tìm được bộ sạc có thông số y hệt, bạn có thể thay thế bằng bộ sạc có điện áp 19 Volt và dòng điện lớn hơn 3.42 Ampe, lúc này bộ sạc mới sẽ đảm bảo đủ công suất để đáp ứng cho máy tính xách tay của bạn.
 
Sẽ có bạn sẽ hỏi tôi rằng nếu tôi thay thế bộ sạc mới có cùng công suất với bộ sạc cũ thì có dùng được không? Như đã nói ở trên, chỉ số điện áp trên bộ sạc mới luôn phải đảm bảo chính xác bằng với chỉ số điện áp trên bộ sạc cũ. Giả sử bộ sạc cũ của bạn là 19V – 3.42A (65W) bạn sẽ không thể thay nó bằng điện áp 16V – 4.07A (65W).
 
Đầu cấp nguồn
 
Do chuẩn cắm nguồn của mỗi hãng sản xuất là khác nhau nên bạn không thể sử dụng bộ nguồn của Sony cho máy Toshiba và ngược lại (giả sử chúng cùng thông số điện áp). Chính vì vậy, khi thay thế bộ sạc cũ, cần kiểm tra xem đầu cắm trên bộ sạc mới có phù hợp mới máy tính xách tay của mình không.
 

 
Chân cắm sạc của một mẫu máy tính xách tay IBM (trái) và Toshiba (phải)
 
Sau khi đọc xong phần trên, tôi nghĩ rằng bạn đã đủ tự tin chọn được cho mình bộ sạc phù hợp với máy tính của mình. Nhưng, bạn chợt nhớ rằng bạn có ba lựa chọn để mua một bộ sạc thay thế đó là: đặt sạc từ hãng, mua sạc "đa năng" của hãng thứ ba, mua sạc "lô". Vậy phải chọn cái nào đây?
 
Đặt sạc từ hãng
 
Nếu như máy tính của bạn không quá hai năm tuổi, bạn vẫn có thể đặt hàng từ hãng, nhất là đối với những máy tính xách tay có trung tâm bảo hành chính hãng tại Việt Nam. Nếu dùng đúng sạc này thì không còn gì phải bàn cãi, chất lượng được đảm bảo bởi chính hãng. Giá cho các bộ sạc khi đặt từ hãng thường dao động từ 50 – 120 USD.
 
Ví dụ, bộ sạc cho Dell loại 65W có giá 59,99 USD và loại 150W có giá 119,99 USD. Bộ sạc cho Lenovo loại 65W có giá khoảng 75 USD. Sạc cho HP loại 65W có giá 69.99 USD (giá trên tham khảo tại website của các hãng). Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể đặt sạc từ hãng, trong trường hợp này bạn có thể tham khảo hai cách còn lại.
 
Sạc "lô"
 
Nếu từng dùng điện thoại di dộng và phải mua sạc thay thế, hẳn bạn cũng nghe được ở đâu đó người bán nói rằng: "đây không phải sạc xịn đi kèm máy mà là sạc lô nhưng vẫn dùng được với điện thoại của anh/chị". Vậy sạc lô là gì? Đây thường là những bộ sạc được sản xuất bởi các công ty không có tên tuổi và gắn nhãn mác dành cho loại điện thoại Nokia, Sony, Samsung, LG...
 
Tương tự như vậy đối với sạc lô dành cho máy tính. Các sạc này thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, chất lượng của các bộ sạc này cũng rất khó xác minh, tuy nhiên có thể nói hàng Trung Quốc thường là tiền nào – của nấy. Trên thực tế thì rất ít bộ sạc loại này có thể đảm bảo công suất cho máy tính của bạn, nhất là những máy tính dùng bộ sạc có công suất lớn (90W, 150W). Đặc điểm thường thấy của các bộ sạc này là cầm nhẹ tay, không chắc chắn, tem nhãn dán thường không chuẩn và không sắc nét. Nếu dùng phải những sạc chất lượng kém, pin có thể nóng và mau bị chai. Giá của các sạc lô vào khoảng 200.000đ – 250.000đ và thường không có khác biệt giữa các loại dành cho các máy tính khác nhau.
 
Sạc "đa năng"
 
Đúng như tên gọi, sạc đa năng là sạc có thể dùng cho nhiều loại máy tính với với các hình dáng chân cắm khác nhau. Đặc điểm cơ bản của sạc đa năng là có các jack cắm nguồn có thể thay thế được để phù hợp với từng loại máy tính khác nhau. Tùy từng mức độ "đa năng" của sạc mà nó sẽ có từ 5 đến 9 đầu jack cắm nguồn khác nhau. Một số sạc đa năng có khả năng điều chỉnh điện áp phù hợp với điện áp mà các máy tính xách tay thường dùng. Ngoài ra, một số khác còn trang bị thêm cổng cấp nguồn USB 5V dùng để sạc cho các thiết bị di động khác như máy nghe nhạc MP3, điện thoại di động...


 
Đầu cấp nguồn của bộ sạc đa năng dùng cho nhiều máy tính khác nhau
 
Sạc đa năng cũng có nhiều loại khác nhau nhưng phổ biến trên thị trường có các thương hiệu sau được tin cậy và người dùng đánh giá có chất lượng tốt như Cooler Master, Hunkey, Acbel...
 
Sạc của các hãng này thường có công suất thực như công bố với hiệu suất cao (>80%). Người dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng sạc của các hãng này để thay thế cho bộ sạc cũ của mình


 
Bộ sạc đa năng Hunkey Enerystar 90W Slim
 
Tuy nhiên, không phải tất cả các sạc đa năng đều hoạt động với mọi máy tính. Một số trường hợp sạc đa năng không tương thích với máy như Cooler Master USNA 95 (95W) không hoạt động với laptop Sony Vaio VGN-SZ150. Chính vì thế, khi chọn mua những sạc này tốt nhất người dùng nên mang theo máy tính của mình để thử.
 
Giá tham khảo
 
Hunkey Enerystar Slim 65W (110/220v & 18.05v-19.95v/3.42A) giá khoảng 470.000 đồng
 
Hunkey Enerystar 90W Slim (110/220v & điện áp từ 15v - 16v/5.1A,  18v – 20v/4.74A) giá khoảng 765.000 đồng
 
Cooler Master NA 65 (110/220v & 19V/3.42A) giá khoảng 752.000 đồng
 
Cooler Master USNA 95 95W (110/220v & 19v – 4.74A) giá khoảng 1.462.000 đồng
 
Sử dụng loại nào?
 
Từ những phân tích ban đầu, bộ sạc là thành phần khá quan trọng cho việc cung cấp năng lượng hoạt động cho máy cũng như tái nạp năng lượng cho pin. Một bộ nguồn tốt sẽ đem đến nguồn điện ổn định đảm bảo tuổi thọ cho pin cũng như linh kiện bên trong máy. Vì vậy đừng ngần ngại khi đầu tư một bộ sạc tốt cho chiếc máy tính của mình. Tùy vào điều kiện và khả năng tài chính mà người dùng có thể lựa chọn mua cho mình bộ sạc phù hợp. Cá nhân người viết khuyên người sử dụng không nên chọn mua sạc lô.

 
 
Sạc cũ vẫn tốt nếu là hàng chính hãng chưa qua sửa chữa
 
Một phương án khác mà người viết chưa liệt kê ở trên có thể giúp người dùng tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đó là chọn mua loại sạc cũ là loại đi kèm với máy nhưng vì một lý do nào đó (máy tính hỏng, bị mất...) được bán bởi các cửa hàng sửa chữa máy tính cũ hoặc các cá nhân trên các site rao vặt về đồ máy tính với giá chỉ từ 200.000đ – 300.000đ. Hãy làm việc với người bán để đảm bảo đó là sạc xịn theo máy. Đồng thời, không nên chọn mua những loại đã qua sửa chữa vì khó có thể kiểm định chất lượng và tay nghề của người sửa chúng.

Tác giả: Theo Chung Dũng (VnReview)

Tags:

Ghi nhớGhi nhớ Gửi cho bạnGửi cho bạn In tin

Các bài mới nhất:

Các bài khác trong cùng danh mục:

Các bài mới trong cùng danh mục:

Download CTIM - Diễn Đàn Tin Học CTIM

Development : Phạm Quang Sáng
Y!M: quangsangctim
Mobile: 0989 231 362